So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm

Nghịch lý ngành nước

(VOV) - Sản xuất và kinh doanh nước bị lỗ là hoàn toàn tự nhiên bởi đầu vào sản xuất và giá bán nước còn chưa theo thị trường

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, mùa hè năm năm nay các đợt mưa lớn sẽ tập trung vào thời kỳ từ tháng 5 đến tháng 7. Năm nay cũng được dự báo là năm có lượng mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Đây thực sự là một tin vui, bởi những cơn mưa sẽ góp phần hạ nhiệt những ngày nắng nóng gay gắt mà người dân thành phố phải đối mặt, trong hoàn cảnh điện cấp cho sinh hoạt được khuyến cáo sẽ phải điều tiết vì những lý do khác nhau. Nhưng quan trọng hơn là nguồn nước ngầm bổ trợ cho các giếng cung cấp nước để sản xuất của Công ty Nước sạch Hà Nội sẽ đủ trữ lượng theo công suất thiết kế.

Theo báo cáo của ngành nước, mùa hè năm 2010 do thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán kéo dài, mực nước sông Hồng xuống thấp khiến mực nước ngầm tụt giảm mạnh 25-30% so với cùng kỳ năm 2009. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước của các dự án tăng, cộng với thời tiết nắng nóng làm nhu cầu về nước càng tăng cao. Hơn 200 giếng của 12 nhà máy và 7 trạm sản xuất phải khai thác với công suất tối đa, trong tình trạng suy thoái của các giếng lớn dẫn đến sự cố đột xuất tăng. Tuy nhiên với quyết tâm vượt khó, tổng lượng nước ngành nước Hà Nội năm 2010 đã sản xuất tăng 45.000m3/ngày, có thêm hơn 50.000 khách hàng mới, đảm bảo 100% các quận nội thành được cung cấp nước sạch với lưu lượng áp lực và chất lượng đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn dùng nước đạt 121 lít/người/ngày.

Ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội khẳng định, với khả năng năng lực sản xuất và phát triển mạng lưới cấp nước hiện có, Công ty hoàn toàn có thể chủ động và đáp ứng mọi nhu cầu về nước sạch cho nhân dân trên địa bàn thành phố trong mùa hè năm 2011. Đặc biệt, công suất khai thác sản xuất nguồn tăng 112.000m3/ngày đêm, nâng sản lượng nước đạt từ 672.000-677.000m3ngày/đêm (tăng 19% so với năm 2010), nâng tổng số dân được cấp nước tăng thêm so với năm trước là 230.000 người. “Trước đây, người dân ở một số khu vực nội thành vốn có cốt địa hình bất lợi như: Xuân La, Phú Thượng, Bách Khoa, Bạch Đằng, Đầm Trấu, Chương Dương, Phúc Tân, Tứ Liên và khu vực ngõ sâu thuộc đường Láng, La Thành I, II, III… vào mùa hè phải thức khuya dậy sớm để hứng từng thùng nước. Vào hè năm nay tình hình đã được đáng cải thiện đáng kể về dịch vụ cấp nước, không còn tình trạng mất nước kéo dài. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho toàn bộ dân số các quận nội thành và 26,6% các huyện ngoại thành là: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm được cấp nước máy. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh triển khai và hoàn thành các dự án về mạng cấp nước”.- Ông Hải cho biết.

Để đạt mục tiêu duy trì ổn định cấp nước với chất lượng nước đảm bảo và dịch vụ cấp nước không ngừng được nâng cao trong các năm tiếp theo, ông Hải cho biết, công ty tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án về nguồn và mạng lưới hệ thống cấp nước. Năm 2011, kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án, công trình là gần 1.300 triệu đồng. Tuy nhu cầu về vốn lớn, nhưng nguồn vốn ngân sách cấp chỉ chiếm 1/3 vốn kế hoạch dự kiến. “Việc phải tự huy động tìm kiếm nguồn vốn là một thách thức rất lớn đối với sự ổn định và phát triển do công ty chỉ có một sản phẩm duy nhất là nước sạch”. - Ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, hiện nay doanh thu và chi phí của ngành nước là không cân đối nên đầu tư khó. Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty 4 tháng đầu năm 2011 đã lỗ 9 tỷ đồng. Đây là một nghịch lý tồn tại trong ngành nước từ rất lâu mà chưa có hướng giải quyết. Theo ông Hải, việc lỗ của công ty là hoàn toàn tự nhiên bởi ngành nước hoạt động sản xuất đầu vào chi phí hoàn toàn theo cơ chế thị trường, trong khi đó giá điện tăng 15,6%, các loại vật tư ngành nước tăng 22-30% nhưng giá bán nước bán cho người tiêu dùng chưa được điều chỉnh từ nhiều năm qua. Mặt khác, công ty không còn được nhận cơ chế bù lỗ nên buộc công ty phải giãn 40% chi phí trả nợ khấu hao để bù đắp. Vì thế, đi đôi với việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước Hà Nội theo đúng định hướng chiến lược của Thành phố, các nhà quy hoạch định hướng phát triển ngành nước cũng cần quan tâm xây dựng kế hoạch, phương án huy động vốn và sử dụng vốn đầu tư cho các dự án phát triển hệ thống cấp nước có hiệu quả./.

Đỗ Hưng 

 

Tags:
Giỏ hàng của tôi (0)